1. NẤM ĐỘC TÁN TRẮNG
Nấm tán trắng là một loại nấm đơn sắc vô cùng độc. Người ta nói rằng, nấm độc tán trắng có vẻ ngoài chẳng khác gì một loại nấm thông thường trông có vẻ ăn được và thậm chí khi ăn, nấm độc tán trắng còn có hương vị thơm ngon chẳng khác gì nấm thường. Tuy nhiên, nó lại chứa rất nhiều độc tố và dù chỉ ăn một lượng nhỏ cũng có thể tử vong nhanh chóng.
Nấm độc tán trắng có thể gây tử vong
Nấm độc tán trắng có chứa hàm lượng cao chất amanitin. Đây là chất độc khiến cho người ăn vào sẽ bị buồn nôn, đau bụng, suy gan, suy thận. Bệnh nhân có thể nôn ra máu, toàn thân đau nhức từng cơn, nhiều lúc lại đau dữ dội. Thân nhiệt cơ thể giảm đột ngột, bệnh nhân đi ngoài ra máu có mùi hôi tanh, tuột đường huyết, háo nước, người xanh xao, có khi nổi cả mẩn đỏ.
Nấm tán trắng dễ nhầm lẫn với loại nấm ăn thông thường
Để nhận biết nấm tán trắng, bạn phải nhìn rõ mũ nấm có màu trắng trong, bề mặt nhẵn bóng. Phiến và cuống nấm có màu trắng, thường có lớp màng mỏng bao quanh, ngay sát với mũ nấm. Chân cuống phình to dạng củ và bao gốc có hình đài hoa rất đẹp. Mùi hương của nấm lại khá dịu nhẹ.
Nấm thường mọc trên khắp thế giới như Canada, các quốc gia Châu Mỹ, Châu Phi v…v…Ở Việt Nam, nấm mọc ở phía miền Bắc ở các tỉnh hà Giang, Thái Nguyên v…v…
2. NẤM ĐỘC TRẮNG HÌNH NÓN
Nấm độc trắng hình nón trông có vẻ giống như nấm độc tán trắng lúc chưa nở bung. Không những vậy, hai loại nấm còn có độc tính cao và đều chứa chất độc amanitin.
Khi bị ngộ độc nấm trắng hình nón, bệnh nhân sẽ đau bụng, buồn nôn, nôn, khát và tiêu chảy dữ dội trong 2 đến 3 ngày đầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co giật, mất ý thức, tổn thương gan thận, hôn mê và có thể xảy ra tử vong từ 6 – 16 ngày.
Nấm độc trắng hình nón giống với nấm tán trắng
Nấm trắng hình nón có màu trắng cả mũ, thân và gốc. Bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4 – 10 cm. Cuống nấm màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi khó chịu.
Hình dáng nấm độc tán trắng
Nấm trắng hình nón thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng. Nấm trắng hình nón thường phân bổ ở các tỉnh miền Bắc.
3. NẤM ĐỘC MŨ KHÍA NÂU XÁM
Loại nấm này rất dễ bị nhầm lẫn với những loại nấm ăn thông thường vì nó có màu nâu sậm đơn sắc. Rất nhiều vụ việc ngộ độc vì nấm mũ khía nâu xám mà báo đài thường đưa tin nên các bạn cần cẩn thận hơn khi hái các loại nấm mọc ven đường.
Nấm độc mũ khía nâu xám
Nấm mũ khía nâu xám chứa độc tố chính là chất muscarin. Một loại chất độc ảnh hưởng đến hệ thần kinh, suy gan, suy thận dẫn đến hôn mê. Nếu người ngộ độc nấm không được chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng.
Nấm ăn vào thường gây hôn mê sâu
Nấm mũ khía nâu xám có hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ. Đường kính mũ nấm 2 – 8cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm. Cuống nấm màu từ hơi trắng đến vàng nâu dài 3-9cm, không có vòng cuống. Thịt nấm có màu trắng.
Nấm mũ khía nâu xám có thể mọc cả ven đường
Ở Việt Nam, nấm mũ khía nâu xám thường mọc thành từng nhóm ở trong rừng. Đặc biệt, nấm mũ khía nâu xám có thể mọc ở cả ven đường và hiện nay, báo đài đưa tin rất nhiều về những vụ ngộ độc do nấm mũ khía nâu xám (Bình Định). Vì vậy, Trâm Anh Food khuyên bạn một lần nữa hãy cẩn thận khi hái nấm ven đường nhé.
Trên đây là những loại nấm độc đơn sắc thường mọc ở Việt Nam, nếu bạn thấy hữu ích hãy chia sẻ bài viết đến cho người thân và bạn bè của bạn nhé.